1, Kéo vợ (Jix pox niêv):
Hình thức hôn nhân tự nguyện dựa trên tình yêu đôi lứa. Trai gái yêu nhau, nhà trai không đủ điều kiện (kinh tế) để lấy vợ, chàng trai bèn thực hiện kéo vợ để có thể kết hôn với người con gái mình yêu. Nhà gái có con bị kéo (dù là thực lòng theo trai), như thế, tránh được bị mất mặt so với trường hợp có con gái bỏ đi theo trai mà không theo tục kéo. Trai gái đã kéo vợ buộc hôn nhân phải diễn ra và đơn giản hóa.
Trai chủ động đi kéo gái về làm vợ (cũng có khi là làm vợ lẽ). Người Mông trắng, trai gái yêu nhau, hẹn nhau trước và giả như cướp nhau để được về làm vợ chồng. Trường hợp này, ở người Mông Đồng Văn ngày nay vẫn phổ biến.
Ở người Mông hoa, Jix pox niêv còn là để kéo cô gái đã đồng tình làm vợ lẽ về để sinh con nối dõi.
Kéo vợ là hình thức phổ biến nhất, được coi là hợp phong tục và cộng đồng chấp nhận.
Kéo vợ chính là đỉnh điểm của tính dân chủ trong hôn nhân Mông
2, Kéo vợ [một đêm]:
Đây cũng là hình thức kéo vợ tự nguyện trong truyền thống. Trai gái Mông lòng ưng nhau, nhưng không muốn gắn bó vợ chồng, thì trai có thể kéo gái về quan hệ tình dục một, vài hôm (nhưng không được quá 3 hôm) rồi bỏ. Trường hợp này, cộng đồng coi là bình thường. Người con gái vẫn có thể lấy chồng mà không hề bị xã hội chê trách.
3, Bắt vợ ( Ntêl pox niev):
Tên trong tiếng Mông có nghĩa bắt, mang tính chất cưỡng bức, mà đối tượng bị bắt không tự nguyện, kiểu như “Ntêl keiz lul tuô” (bắt gà giết).
Đây là hình thức trai Mông thích một cô gái thì tiến hành bắt vợ, dù cô gái không tự nguyện chấp nhận. Trường hợp này thường rơi vào con trai nhà giàu có, quyền thế đi bắt gái về làm vợ. Bắt vợ thường phải chấp nhận thách cưới cao, nên xưa chỉ nhà giàu mới kham nổi.
Cộng đồng Mông cho rằng, bắt vợ vẫn hợp lệ nếu nhà trai đủ sức chi trả yêu cầu thách cưới cao của nhà gái. Trường hợp này là khởi đầu của nhiều bị kịch, hiếm xảy ra trong xã hội Người Mông.
4, Cướp vợ (Cxangr pox niêv):
Cxangr trong tiếng Mông chỉ hành động cướp, cướp giật mang nghĩa tiêu cực.
Tục lệ Cxangr pox niêv có hai lớp sắc thái nghĩa:
Cô gái đã có người yêu thương, đính ước mà vẫn bị người khác đến cướp, tranh về làm vợ. Hình thức cướp, tranh vợ, do đó, được tiến hành bởi ý chí chủ quan chàng trai kẻ cướp còn cô gái là người bị động, không tự nguyện.
Hành động chỉ người đàn ông đã có hay chưa có gia đình, dụ dỗ gái đã có chồng, gái nghe theo lời dụ dỗ mà bỏ trốn theo nhau. Chàng trai như thế là cướp vợ người khác.
Hai hành động này đều bị coi là Cxangr pox niêv, cộng đồng H’mông phản đối và xử phạt nặng, thậm chí tàn nhẫn nếu bắt gặp. Trường hợp này là khởi đầu của nhiều bi kịch, hiếm xảy ra trong xã hội Mông.
Như vậy, hôn nhân kéo/bắt/cướp chứa đựng trong nó đa giá trị, mà dường như các tư liệu ghi nhận về lớp tục lệ này, vốn đã ít mà phần lớn lại có tính đơn giản hóa hoặc lẫn lộn các sắc thái ý nghĩa nên càng làm rối vấn đề.
0 Comment